Trò chơi Trung thu

15 trò chơi Trung thu đơn giản, ấn tượng tại văn phòng

Huỳnh Như
phút
18/07/2023
Huỳnh Như
phút
18/07/2023

Tết Trung thu là một trong những dịp quan trọng trong năm để công ty tổ chức các hoạt động ấm cúng, gắn kết nội bộ. Vì vậy, mọi sự chuẩn bị trong dịp này đòi hỏi sự chỉn chu, đầu tư nghiêm túc từ tiệc Trung thu, các món quà tặng nhân viên đến trò chơi Trung thu tại văn phòng.

1. Nếm bánh đoán vị

Bánh trung thu - món ăn dường như không thể thiếu trong ngày Tết Trăng rằm. Nhưng thay vì thưởng thức bánh đơn thuần, bạn tổ chức một trò chơi, vừa có thêm hoạt động để nhân viên vui chơi, vừa giúp mọi người có thêm sự am hiểu về các loại bánh.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Bánh trung thu đa dạng hương vị, PITO khuyến khích bạn sử dụng các loại bánh lạ, để tăng kịch tính cho trò chơi; và khăn bịt mắt.

Trò chơi Nếm vị đoán bánh

Ảnh minh hoạ - Nguồn ảnh: Canva

Cách thực hiện:

  • Chia nhân viên thành các đội, đảm bảo số lượng thành viên trong mỗi đội bằng nhau. Tối thiểu 2 người, tối đa 5 người.
  • Tất cả thành viên của đội chơi đều bị bịch mắt, chỉ dùng vị giác để cảm nhận món bánh.
  • Ban tổ chức chuẩn bị một dĩa bánh trung thu gồm ít nhất 10 vị khác nhau, mỗi đội có 30 giây để thưởng thức và dự đoán vị bánh.
  • Sau 30 giây, các đội lần lượt đưa ra đáp án. Đội nào có kết quả đúng nhiều nhất sẽ là đội chiến thắng.
  • Trường hợp công ty bạn đông nhân viên, chia thành nhiều đội, bạn nên tổ chức trò chơi này theo vòng:
    - Vòng sơ khảo: tất cả các đội thưởng thứ 1 loại bánh, ưu tiên bánh có vị lạ nhất.
    - Vòng chung khảo: dành cho các đội đã qua vòng sơ khảo, cùng tiếp tục thưởng thức 1 vị bánh.
    - Lần lượt như vậy, cho đến khi số lượng chơi đạt ở mức lý tưởng nhất.

Lưu ý:

  • Trò chơi Trung thu này không chỉ làm khó người chơi mà còn tạo thách thức cho Ban tổ chức. Trường hợp bạn không tìm đủ các vị bánh trung thu như mong muốn, bạn có thể thay thế bằng các loại bánh thường xuất hiện trong tết Trung thu như lava trứng chảy, bánh in, bánh dẻo…
  • Trò chơi cũng là dịp để nhân viên biết thêm những loại bánh mới, vì vậy, sau mỗi phần thi ban tổ chức nên dừng lại vài phút để giới thiệu về vị bánh đó và mời tất cả nhân viên cùng thưởng thức.

2. Thổi tắt ngọn nến

Vào mỗi mùa Trung thu, bên cạnh rước đèn phá cỗ, bạn đã chơi trò đốt nến, thả thuyền dưới trăng chưa? Đó là một phần trong tuổi thơ dữ dội của bao đứa trẻ thuộc thế hệ 9x, 10x đời đầu. Mang những ngọn nến lung linh vào văn phòng, bạn thử tổ chức trò chơi Trung thu “Thổi tắt ngọn nến” nhé!

Công cụ, dụng cụ: Nến: nên chọn nến tealight (hoặc nến trà) làm từ sáp thực vật, có đế bao bọc để an toàn khi chơi.

Trò chơi thổi tắt ngọn nến

Ảnh minh hoạ - Nguồn ảnh: Canva

Cách thực hiện:

  • Ban tổ chức chọn một không gian kín gió, chuẩn bị 2 chiếc bàn, đặt khoảng 20 ngọn nến đã đốt lên bàn. Thứ tự sắp xếp ngẫu nhiên nhưng cần cố định với tất cả đội chơi để đảm bảo tính công bằng.
  • Trước mỗi trước chiếc bàn cần có sợi dây hoặc vạch kẻ để giới hạn vị trí đứng của các đội chơi.
  • Chia nhân viên thành các đội chơi với số lượng thành viên bằng nhau.
  • Mỗi lượt có 2 đội thực hiện trò chơi. Nhiệm vụ của các thành viên là thay phiên nhau đứng trước bàn, ngay vạch kẻ, dùng sức thổi tắt các ngọn nến đặt trên bàn.
  • Tuỳ theo số lượng thành viên các đội, mỗi lượt chơi dao động từ 30s đến 1 phút, tránh kéo dài nến dễ tắt.
  • Lần lượt, người chơi 1 thổi rồi đến người chơi 2, người chơi 3. Kết thúc thời gian quy định, đội nào thổi tắt nhiều nến hơn là đội chiến thắng trong lượt chơi đó.
  • Tiếp tục các phần chơi cho đến khi tìm ra đội chiến thắng.

Lưu ý:

  • Trò chơi này cần không gian rộng rãi, thoáng đãng. Vì vậy, nếu văn phòng bạn không đủ rộng thì nên sắp xếp bàn ghế gọn gàng, tận dụng tối đa diện tích không gian.
  • Vì có nến và lửa, ban tổ chức cần nhắc nhở nhân viên đảm bảo an toàn, phòng tránh cháy nổ.

3. “True or dare” phiên bản Trung thu

True or dare - Thật hay thách, trò chơi quen thuộc trong các dịp teambuilding hay hoạt động nội bộ tại văn phòng. Trong ngày Trung thu, bạn cũng có thể thực hiện trò chơi này theo các hướng dẫn dưới đây.

Trò chơi True or Dare phiên bản Trung thu

Ảnh minh hoạ - Nguồn ảnh: Canva

Công cụ dụng cụ: Một cây bút bi, một vỏ chai nước suối hoặc vòng quay.

Cách thực hiện:

  • Cả công ty hoặc một nhóm nhân viên, một phòng ban cùng ngồi thành vòng tròn, đặt dụng cụ quay ở tâm vòng tròn.
  • Mỗi lượt chơi, dụng cụ quay sẽ hướng mũi tên (hoặc đầu chai nước, đầu bút bi, tuỳ theo dụng cụ và quy định của mọi người) về một người. Người đó hoặc là trả lời các câu hỏi của các thành viên còn lại hoặc thực hiện các thử thách.
  • PITO khuyến khích các câu hỏi và thử thách cần xoay quanh chủ đề Trung thu, chẳng hạn: Kỷ niệm xấu hổ nhất khi đi chơi Trung thu là gì? Từng làm điều gì ngu ngốc trong ngày Trung thu? Hoặc thách, gọi điện mời một bạn khác giới đi chơi Trung thu…

Lưu ý:

  • Tránh các câu hỏi về đời tư hoặc mang tính công kích cá nhân. Các thử thách cũng nên chừng mực, với tinh thần vui là chính.
  • Trò chơi này không phân biệt thắng thua, vì vậy, mọi người có thể vừa chơi vừa thư giãn, ăn bánh trung thu hoặc thưởng thức các món ngon khác.

4. Phá cỗ - phiên bản người lớn

Rước đèn, phá cỗ dường như là hoạt động được chờ đợt nhất của các bạn nhỏ vào mỗi dịp Trung thu. Khi là người lớn, những cảm giác háo hức, mong chờ đó có lẽ đã không còn. Tham gia trò chơi Trung thu Phá cỗ này, những người lớn sẽ được hoà mình, trở về tuổi thơ.

Công cụ dụng cụ:

  • Mâm cỗ lớn gồm nhiều món ăn như bánh trung thu, bánh dẻo, bánh in, bánh pía… và trái cây, nước uống.
  • Các câu hỏi trắc nghiệm chủ đề Trung thu.
Trò chơi phá cỗ Trung thu

Ảnh minh hoạ - Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên Online

Cách thực hiện:

  • Nhân viên chia thành các đội với số lượng thành viên bằng nhau. Hoặc có thể chơi theo phòng ban, theo team.
  • Các đội sẽ xung phong trả lời các câu hỏi trắc nghiệm từ ban tổ chức. Đội nào trả lời đúng sẽ được quyền ưu tiên chọn 1 món trong mâm cỗ.
  • Mỗi câu trả lời đúng, mỗi đội chỉ được phép chọn 1 món đồ. Lần lượt như vậy cho đến khi hết các món ăn.

Lưu ý:

  • Món ăn trong mâm cỗ sẽ là một phần trong bữa tiệc Trung thu của công ty. Vì vậy, ban tổ chức cần chuẩn bị chỉn chu. Có thể có các món giá trị như bánh trung thu thập cẩm nhiều trứng nhưng cũng có thể chỉ có 1 quả ổi.
  • Cần ước lượng thời gian chính xác, chuẩn bị đủ câu hỏi. Ban tổ chức hoặc MC khi chọn đội chơi trả lời câu hỏi cần công tâm, có những quy ước rõ ràng trước khi chơi.

5. Cùng hát dưới trăng

Một chút âm nhạc sẽ giúp bữa tiệc Trung thu tại công ty bạn thêm sôi động và ấn tượng hơn. Thay vì các tiết mục biểu diễn do nhân viên thực hiện, được ban tổ chức sắp xếp sẵn, bạn tạo cơ hội để tất cả nhân viên cùng thể hiện tài năng và hoà vào không khí chung. Trò chơi Trung thu này tương tự như hoạt động hát karaoke nhưng có nhiều thử thách hơn.

Công cụ dụng cụ: Dàn âm thanh hát karaoke, micro, tivi, danh sách các bài hát chủ đề Trung thu.

Cách thực hiện:

  • Chia nhân viên thành các đội chơi với số lượng bằng nhau, tối đa 5 thành viên.
  • Đại diện từng đội sẽ bốc thăm bài hát và số thứ tự tham gia cuộc thi. Nếu số lượng đội chơi quá đông, Ban tổ chức chuẩn bị thêm các lá thăm: loại hoặc đi thẳng vào vòng trong. Cú “twist” này vừa khiến mọi người bất ngờ, vừa giúp bạn dễ dàng điều phối số lượng đội chơi theo đúng thời gian dự kiến.
  • Mỗi đội có 5 phút chuẩn bị cho phần trình diễn. Yêu cầu: vừa hát karaoke vừa có phần biểu diễn minh hoạ.
  • Kết quả trò chơi là sẽ do máy hát karaoke chấm phần hát, và tất cả nhân viên bình chọn phần biểu diễn hài hước, ấn tượng nhất.

Lưu ý:

  • Ban tổ chức có thể xem trò chơi này như một hoạt động trong tiệc Trung thu, tổ chức sau khi mọi người ăn tiệc mặn hoặc kết hợp khi nhân viên đang thưởng thức Tea Break.
  • Cần chuẩn bị hệ thống âm thanh chỉn chu và một người điều phối phần kỹ thuật.

6. Thi làm lồng đèn Trung thu 

Cuộc thi làm lồng đèn Trung thu sẽ là hoạt động lý thú, mở đầu cho buổi tiệc trung thu tại văn phòng. Không cần quá cầu kỳ, những chiếc đèn thủ công quen thuộc như đèn ông sao, đèn lon bia, đèn giấy xếp… là món quà tinh thần ý nghĩa trong ngày trăng rằm. 

Chụp ảnh với lồng đèn trung thu
Cùng đồng nghiệp làm lồng đèn trung thu, cùng trở về với tuổi thơ có lẽ là trải nghiệm đặc biệt trong mùa Trung thu này.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Giấy màu, tấm carton, keo dán, đũa tre (hoặc thanh tre), thước đo, dao rọc giấy, kéo, dây ruy băng hoặc lon bia, giấy xếp… Chuẩn bị quà tặng cho 3 đội làm lồng đèn đẹp nhất.

Cách thực hiện:

  • Chia đội từ 3 – 5 người cùng làm 1 chiếc lồng đèn.
  • Mỗi đội có khoảng 40 – 60 phút để hoàn thiện.
  • Yêu cầu: Lồng đèn mang tính cá nhân, sáng tạo, thể hiện được nét riêng của đội cũng như phong cách chung của buổi tiệc hoặc công ty.
  • Có thể lập ban khảo chọn ra lồng đèn ấn tượng nhất để trao giải hoặc để toàn thể nhân viên cùng bình chọn.
  • Sau cuộc thi, các lồng đèn được trưng bày trong văn phòng để trang trí Trung thu.

Ý nghĩa: Hoạt động này tạo không khí truyền thống, giúp toàn thể nhân viên cùng quay về tuổi thơ, hoà mình với không gian Trung thu nơi quê nhà, trong những ngày mình còn là trẻ con.

7. Hoá thân thành chú Cuội, chị Hằng

Trò chơi Hoá thân thành chú Cuội chị Hằng

Không cần phải đợi đến Halloween, nhân dịp Trung thu, bạn cũng có thể tổ chức một buổi hóa trang nhỏ tại văn phòng. Sân khấu “dã chiến” dựng lên ngay văn phòng cùng sự xuất hiện của các nhân vật trong truyện cổ tích như chị Hằng, chú Cuội, người nông dân, mặt Trăng tròn… Để trò chơi Trung thu này thêm phần thú vị, những người chơi phải biến tấu ngay tại văn phòng.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Ban tổ chức chuẩn bị sẵn các nguyên liệu tái chế như vỏ thùng carton, chai nhựa, các loại văn phòng phẩm như giấy in, bút viết, khăn bàn, keo dán, kẹp…

Cách thực hiện:

  • Chia đội từ 5 – 7 thành viên.
  • Mỗi đội bốc thăm nhân vật sẽ hoá thân và tự chọn các dụng cụ để biến hoá.
  • Sau 60 phút, đại diện các nhân vật từ mỗi đội sẽ lên sân khấu trình diễn. 1 – 2 thành viên khác chia sẻ về ý tưởng thực hiện.
  • Kết quả sẽ do toàn thể nhân viên bình chọn bằng các tràng pháo tay.
  • Đội chơi có trang phục tái chế ấn tượng nhất sẽ nhận được quà từ công ty.

Lưu ý: Các ý tưởng hoá trang đảm bảo thuần phong mỹ tục, thể hiện rõ tinh thần các nhân vật liên quan đến Trung thu.

Ý nghĩa: Khơi gợi khả năng sáng tạo, tinh thần đội nhóm của nhân viên. Mặt khác, lồng ghép các nguyên liệu tái chế, hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức sống xanh cho mọi người.

8. Cuội bảo, Cuội bảo

Trò chơi cuội bảo cuội bảo

Bạn có thể dùng trò chơi Trung thu. này để mở màn hoạt động vui Trung thu tại văn phòng, vừa đơn giản, vừa dễ thực hiện.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Trò chơi đơn giản này không cần chuẩn bị đạo cụ, ban tổ chức có thể chuẩn bị những  phần quà nhỏ để khích lệ các thành viên tham gia. 

Cách thực hiện:

  • MC hoặc người quản trò sẽ hóa thân vào chú Cuội và hô to “Cuội bảo, cuội bảo”
  • Những người chơi phải đáp lại “Bảo gì? bảo gì?”.
  • Sau đó, chú Cuội sẽ đưa ra các yêu cầu và mọi người phải làm theo. Ví dụ như “Cuội bảo vỗ tay 2 cái”. 
  • Ai không làm hoặc làm sai yêu cầu sẽ ra khỏi hàng và thực hiện các hình phạt theo yêu cầu của ban tổ chức.

Lưu ý: Trò chơi phù hợp với buổi tiệc trung thu đông người, từ vài chục đến vài trăm, mang tính “warm-up” không quá câu nệ về kết quả.

Ý nghĩa: Vừa làm nóng tinh thần tất cả thành viên, giúp không khí thêm sôi động, náo nhiệt hơn vừa tăng thêm gắn kết, có thể làm tiền đề chọn đội cho các hoạt động tiếp theo.

9. Cam quýt mít dừa

Đây là trò chơi Trung thu vận động, phù hợp với công ty có nhiều bạn trẻ năng động, hoạt bát. Cách tổ chức, cách chơi đơn giản, dễ thực hiện.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Một số món đồ đơn giản như kẹo mút, dây ruy băng, quyển sổ nhỏ hoặc các văn phòng phẩm có sẵn tại nơi làm việc.

Trò chơi tại văn phòng
Ảnh minh hoạ

Cách thực hiện:

  • Số lượng: Tối đa 8 người cho một lượt chơi.
  • Chọn 1 người sẽ đóng vai trò là “cầm cái” và đứng bên ngoài.
  • 7 thành viên còn lại xếp thành hàng ngang và đặt tên theo thứ tự: Cam – Quýt – Mít – Dừa – Dưa – Hồng – Cậy.
  • Mỗi người đứng cách nhau một khoảng nhất định, đưa hai bàn tay ra sau lưng, đan vào nhau tạo thành một cái bát hứng. Người “cầm cái” âm thầm đặt món đồ đã chuẩn bị vào tay người nào đó.
  • Người được chỉ định lúc này phải chạy về phía trước và bảo toàn được vật được giao khi nãy. Hai thành viên bên cạnh trong hàng sẽ tìm cách ngăn chặn người được chỉ định tiến về phía trước.
  • Nếu không cản được, người về đích sẽ gọi tên 1 trong 7 loại quả, người bị gọi phải cõng người chiến thắng từ vạch đích về hàng.
  • Lần lượt như vậy, trò chơi duy trì để các thành viên đều được về đích.

Lưu ý: Chắc chắn khi ngăn thành viên về đích, bầu không khí sẽ diễn ra vô cùng vui và sôi động nhưng mỗi thành viên khi chơi cũng nên tiết chế, tránh những hành động quá khích, động chạm, lôi kéo trang phục hoặc gây tổn thương cho cộng sự.

Ý nghĩa: Giúp mọi người cùng trở về tuổi thơ, khơi gợi ký ức của một thời hồn nhiên đuổi bắt. Đặc biệt, có thể vận động nhẹ sau thời gian làm việc căng thẳng.

10. Bịt mắt đập bóng

teambuilding với bóng bay
Ảnh minh hoạ.

Nếu đang không biết lựa chọn trò chơi Trung thu nào thật vui, thật thú vị cho nhân viên, các bạn HR, Admin, Employee Engagement có thể tham khảo trò Bịt mắt đập bóng này. Những quả bóng bay có thể làm vật trang trí trong tiệc Trung thu vừa là dụng cụ phục vụ trò chơi.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Những quả bóng bay bơm sẵn, số lượng phục thuộc vào số lượng nhân viên tham gia trò chơi.

Cách thực hiện:

  • Treo các quả bóng lên trần nhà hoặc ở những vị trí đặc biệt như cửa sổ, cửa chính, góc bàn… đảm bảo vừa tầm với để nhân viên có thể chạm đến.

Bóng bay trang trí văn phòng

  • Nhân viên bắt cặp, mỗi lượt chơi có 2 cặp thi đấu với nhau.
  • Từ vị trí xuất phát, một người cõng một người, người cõng bị bịt mắt và phải đi theo chỉ dẫn của người được cõng. Cả hai cùng tìm đường đến đúng vị trí quả bóng cần đập.
  • Cặp nào đến trước, đập vỡ quả bóng trước thì chiến thắng.

Lưu ý: Để triển khai trò này, bạn cần chắc chắn rằng các thành viên tham gia có sức khoẻ bình thường, không sợ tiếng ồn, tiếng nổ của bóng bay.

Ý nghĩa: Trò chơi giúp nhân viên gắn kết, thấu hiểu cộng sự và kiểm tra độ tinh nhạy cũng như sức bền của mỗi người.

11. Rồng rắn lên mây

Trung thu lần này hãy cùng tất cả nhân viên trở về tuổi thơ với trò chơi dân gian quen thuộc “Rồng rắn lên mây”. Nhanh – gọn – lẹ là từ khoá của trò chơi đầy kỷ niệm này.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Giống như trò “Cuội bảo, cuội bảo”, trò chơi này không cần dụng cụ chỉ cần một năng lượng sẵn sàng tham gia.

Trò chơi Teambuilding
Ảnh minh hoạ.

Cách thực hiện:

  • Một nhân viên được làm ông chủ.
  • Một nhóm các nhân viên khác xếp thành hàng dài từ 10 – 15 người, người sau nắm vạt áo hoặc đặt tên lên vai người trước.
  • Sau đó bắt đầu đi lượn qua lượn lại trước như con rắn trước mặt ông chủ và hát vang bài đồng dao:

“Rồng rắn lên mây
Có cái cây xúc xắc
Có ông chủ ở nhà không?”

  • Nếu ông chủ trả lời không thì phải hát lại.
    Nếu câu trả lời là có thì phải hỏi lại “Ông xin khúc nào?”. Số khúc trả lời tương ứng số thứ tự người đứng trong hàng rồng rắn. 
  • Tất cả mọi người trong hàng có nhiệm vụ bảo vệ người bị chọn đó khỏi ông chủ. Nếu bắt được thì ông chủ thắng, người bị bắt phải ra thay làm chủ.

Lưu ý: Trò chơi này có thể áp dụng cho mọi đối tượng, thích hợp tổ chức trong tiệc Trung thu có sự tham gia của gia đình nhân viên, đặc biệt là các em nhỏ.

Ý nghĩa: Trò chơi mang tính giải trí, giúp nhân viên giải toả căng thăng, thư giản và kết nối nhiều hơn với các cộng sự.

12. Trò đua ghế 

Các trò chơi Trung thu đôi khi không cần quá chú trọng chủ đề, chỉ cần tạo cho nhân viên sự thích thú và năng lượng nhất. Đua ghế là một trong những trò như thế.

Trò chơi đua ghế
Ảnh minh hoạ.

Dụng cụ cần chuẩn bị: 6 – 10 chiếc ghế nhựa hoặc tận dụng ghế ngồi làm việc tại văn phòng. 

Cách thực hiện:

  • Ban tổ chức sắp xếp một số ghế nhất định, sao cho số người chơi phải nhiều hơn số ghế, ít nhất 1 người. Ví dụ, có 6 ghế thì người chơi sẽ là 7.
  • Người chơi sẽ đi chuyển thành vòng tròn, xung quanh khu vực có ghế, khi MC hô lệnh hoặc nhạc dừng, người chơi tranh thủ ngồi vào ghế, ai không ngồi được vào vị trí sẽ bị loại.
  • Tiếp tục như thế, những chiếc ghế bị giảm đi cho đến khi còn 1 chiếc, người cuối cùng ngồi vào được chiếc ghế đó là người chiến thắng. 

Lưu ý: Trò chơi này còn có tên gọi khác là Chiếc ghế âm nhạc, do vậy để tạo không khí, thúc đẩy tinh thần người chơi, bạn chuẩn bị thêm loa và những bài nhạc sôi động.

Ý nghĩa: Tạo không gian để nhân viên được vận động, rèn luyện sự tập trung, nhạy bén và luôn trong tư thế sẵn sàng để đón nhận cơ hội.

13. Cùng vẽ tiếp sức 

Vẽ tiếp sức
Ảnh minh hoạ.

Đây là một trò chơi siêu thú vị, đòi hỏi mỗi thành viên trong team phải thật sự hiểu nhau để có thể vẽ nên một bức tranh đạt yêu cầu nhất.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Bút màu, giấy A4 và yêu cầu về hình vẽ.

Cách thực hiện:

  • Người tham gia được chia thành 2 đội, mỗi đội tối đa 5 thành viên.
  • Các thành viên xếp thành một hàng dọc quay lưng lại với nhau. Khi hiệu lệnh bắt đầu, thành viên đầu tiên sẽ nhận đáp án từ ban tổ chức sau đó có 10s để vẽ ra đúng với đề tài được cho.
  • Thành viên tiếp theo sẽ quan sát bức tranh trong khoảng thời gian nhất định và vẽ lại trong 10s.
  • Cứ thế lần lượt đến người cuối cùng sẽ vẽ bức tranh và đoán chủ đề.
  • Đội nào trả lời nhanh và có nhiều đáp án đúng hơn sẽ giành chiến thắng. 

Lưu ý: Ban tổ chức có thể đưa ra các chủ đề liên quan đến Trung thu như Thỏ Ngọc, bánh trung thu, lồng đèn… để phù hợp với buổi tiệc. 

Ý nghĩa: Giúp tăng sự thấu hiểu giữa các nhân viên khi trao đổi với nhau. Đặc biệt tạo nhiều tiếng cười cho người xem, bởi trong trò chơi này, kết quả cuối cùng thường khác rất nhiều so với đề bài ban đầu.

14. Đuổi hình bắt chữ

Đuổi hình bắt chữ là trò chơi nổi tiếng trong thời gian gần đây, phù hợp với nhiều buổi sinh hoạt đội nhóm hoặc gathering tại công ty. 

Đuổi hình bắt chữ
Ảnh minh hoạ.

Dụng cụ cần chuẩn bị: Các slide câu hỏi trình bày trên PowerPoint và nhạc nền phù hợp để bầu không khí sôi động hơn. 

Cách thực hiện:

  • Chia nhân viên thành các đội tối đa 5 thành viên.
  • MC chiếu những câu hỏi đã chuẩn bị lên màn hình.
  • Mỗi đội có 15 giây suy nghĩ. Đội nào có đáp án sẽ xung phong giành quyền trả lời. 
  • Đội chiến thắng là đội có số lượt trả lời đúng nhiều nhất và nhận được 1 phần quà từ Ban tổ chức.

Lưu ý: Chuẩn bị hình ảnh dễ hình dung, không trừu tượng gây khó cho người chơi, mất thời gian. Trong trường hợp câu hỏi quá khó, Ban tổ chức nên cân nhắc đưa ra những gợi ý nhỏ có liên quan đến đáp án. 

Ý nghĩa: Khơi gợi trí tưởng tượng của người chơi, giúp các bạn tập trung trong một thời điểm để tìm ra đáp án chính xác. Các câu hỏi hữu ích sẽ cung cấp cho nhân viên thêm nhiều kiến thức mới.

15. Ai là triệu phú 

Sau những trò chơi vận động như đua ghế, rồng rắn lên mây, trò chơi trí tuệ như Ai là triệu phú giúp mọi người bầu không khí càng thêm gay cấn. Vui chơi Trung thu nhưng cũng có thể lãnh hội thêm nhiều kiến thức hay. 

Dụng cụ cần chuẩn bị: Ban tổ chức sưu tầm các câu hỏi liên quan đến chủ đề Trung thu; chuẩn bị nhạc nền “Ai là triệu phú” để trò chơi thêm gay cấn, chuyên nghiệp hơn.

Trò chơi trung thu
Ảnh minh hoạ.

Cách thực hiện:

  • Ban tổ chức có thể chuẩn bị app trò chơi như Kahoot để tất cả nhân viên cùng đăng nhập trả lời các câu hỏi. Người có kết quả cao nhất, trả lời đúng và nhanh nhất sẽ được ngồi vào “ghế nóng” Ai là triệu phú.
  • Người này sẽ tham gia các trả lời các câu hỏi theo mức 5/10/15/20. Trong quá trình chơi, người chơi sẽ có 3 quyền trợ giúp là 50/50, hỏi ý kiến khán giả trường quay và gọi điện cho người thân.

Lưu ý: Ban tổ chức cũng có thể thay đổi các gói câu hỏi cho phù hợp với thời gian chứ không nhất định phải theo các mức câu hỏi như trên. Để chương trình thêm hay, MC cũng cần phải chuẩn bị kỹ để dẫn dắt khéo léo, tạo bầu không khí thoải mái. 

Ý nghĩa: Tạo cơ hội để nhân viên được thể hiện sự am hiểu về nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội và tiếp thu thêm nhiều kiến thức hữu ích, những điều thú vị khác. 

3 lưu ý khi tổ chức trò chơi Trung thu tại văn phòng

Tiệc Trung thu

  • Xác định mục đích: Trong kịch bản tổ chức sự kiện, trò chơi thường giữ vai trò kết nối các hoạt động, tăng gắn kết hoặc làm nóng chương trình. Do vậy, để chọn được trò chơi phù hợp với không khí tiệc Trung thu, bạn cần đặt nội dung này trong tổng thể chương trình và xác định rõ mục đích tổ chức cũng như vai trò của trò chơi.
  • Đối tượng tham gia: Nhắc đến Trung thu, mọi người thường nghĩ đến những ý tưởng tổ chức dành cho trẻ con. Song Trung thu tại công ty, phần lớn đối tượng lại là người lớn – nhân viên. Hoặc công ty mở rộng hoạt động dành cho gia đình nhân viên cùng tham gia thì có thêm trẻ em. Thế nên, bạn cần xác định trước yếu tố này để chọn trò chơi phù hợp với từng đối tượng.
  • Địa điểm tổ chức: Do không gian giới hạn của văn phòng và đặc thù làm việc của từng công ty, những buổi tiệc Trung thu ấm áp được tổ chức ở đây cũng có chút khác biệt so với tiệc Trung thu tại gia đình hay lễ hội rước đèn rộn ràng khắp phố phường, thôn xóm. Những trò chơi bạn chọn cũng nên cân nhắc yếu tố này.

Có rất nhiều trò chơi dân gian hay những trò chơi hoạt náo đơn giản có thể thực hiện ngay tại văn phòng trong tiệc Trung thu. Những trò này vừa giúp tăng không khí cho buổi tiệc, giúp mọi người gắn kết, cùng trở về tuổi thơ hoặc lĩnh hội thêm những thông tin thú vị về ngày Tết Trung thu. PITO mong rằng những gợi ý vừa nêu có thể giúp bạn cùng đồng nghiệp có một mùa Trung thu đoàn viên, đáng nhớ!

Huỳnh Như

Một bữa tiệc, một món ăn ngon, một câu chúc chân thành, tất cả đều là những điều đặc biệt trong cuộc sống mà chúng ta xứng đáng được nhận. Là người lưu giữ những điều ấy bằng ngôn từ, Huỳnh Như hy vọng những bài viết của mình tại PITO có thể mang đến những giá trị thiết thực, giúp các bạn hiểu và yêu hơn lĩnh vực Catering, đặc biệt là dịch vụ tiệc tận nơi tại doanh nghiệp!

  • Nhiều nội dung trò chơi hay quá. Mình đang tìm kiếm bữa giờ để chuẩn bị cho Trung thu của công ty. Trung thu đầu tiên của mình ở công ty mới nên rất lo lắng, sợ chuẩn bị không chu đáo.

  • {"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}


    Page [tcb_pagination_current_page] of [tcb_pagination_total_pages]

    Đăng ký nhận Newsletter từ PITO

    >